2 Following
linhtalinhtinh

Linhtalinhtinh

Currently reading

The Houses of History: A Critical Reader in Twentieth-Century History and Theory
The Complete Calvin and Hobbes
Bill Watterson

Bên Thắng Cuộc: Quyền bính

Bên Thắng Cuộc: Quyền bính - Huy Đức Quyền Bính vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc. Tác giả theo dấu những năm đổi mới từ 1986, khá kỹ càng cho tới khoảng 2005/2006 khi hết nhiệm kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải, và rất sơ lược đôi nét vĩ mô về nhiệm kỳ tiếp theo của TT Nguyễn Tấn Dũng. Cho dù những thông tin về khoảng thời gian này có lẽ là đã dễ tìm hiểu hơn rất nhiều do sự dần cải cách và hé mở của kinh tế cũng như xã hội, HĐ đã làm cho tôi cảm thấy bức tranh toàn cảnh hiện ra rõ ràng và sống động. Tôi nghĩ đọc HĐ cũng như khi đọc Duiker, những thông tin chính trị kinh tế VN được viết bằng những cụm từ tối nghĩa dường như được dịch ra thành một thứ ngôn ngữ khác hẳn, rất dễ nuốt, dễ tiêu.

Có quá nhiều vấn đề cần bàn, cũng như có vô số các nhân vật quan trọng, liên quan tới không chỉ một mà là nhiều giai đoạn lịch sử, vậy nên có thể sẽ có người thấy bố cục của tác phẩm đôi lúc rời rạc và khó sắp xếp. Nhưng theo tôi đây là việc tất yếu bởi phạm vi của cuốn sách - bao quát rất rộng. Và tôi nghĩ có khi đây là một điểm mạnh củaBên Thắng Cuộc cả hai cuốn nói chung: nhìn cả xa lẫn gần, cả nói lý thuyết tư tưởng chung chung mà không quên những tính chất cá thể, riêng tư của những nhà chính trị. Tuy tôi vẫn cho rằng sự đi sâu vào đời tư của họ thỉnh thoảng có hơi quá tay.

Tuy vậy, theo tôi, sức rung động của Quyền Bính không thể được như Giải Phóng. Ngoại trừ khoảng 1/6 đầu tiên của cuốn sách, khi HĐ bàn tới số phận các văn nghệ sĩ từ những năm 50-60 cho tới cuối những năm 80, cùng với việc ký hiệp định biên giới làm tôi day dứt trên từng mét đất, thì phần còn lại của sách thiên về bàn nhiều về kinh tế chính trị, về xung đột giữa các phe cánh, tranh giành "quyền bính," về đường lối cải cách, mở cửa, mà không nhìn vào đời sống văn hóa xã hội, chất lượng cuộc sống thực sự của nhân dân. Văn nghệ sĩ giờ ra sao? Thành phố nông thôn người dân thế nào? Tác giả cũng chưa nói đến những cái được rồi mất của hội nhập.

Cuối sách, HĐ có viết một lời kết mà tôi hoàn toàn đồng ý: "Giá như không phải là ý thức hệ mà tự do và hạnh phúc của nhân dân mới là nền tảng hình thành chính sách..." Thế những HĐ lại không viết ra tự do và hạnh phúc của nhân dân hiện thời như thế nào. Viết như thế khiến tôi có cảm giác như tác giả coi như đương nhiên rằng cuộc sống của người dân VN hiện thời giờ vẫn còn là bất hạnh, rằng thay đổi thật quá khó khăn và bế tắc. Tuy đối mặt với cái yếu kém, sai lầm để nhận lỗi và dám thay đổi là điều cực kỳ quan trọng, nhưng việc đưa ra hi vọng cũng rất cần thiết. Đúng, chúng ta vẫn còn nghèo, vẫn còn khổ lắm. Nhưng nghèo ra sao và khổ như thế nào để còn thấy nhục thấy đau thấy tê tái; và thay đổi, dù chỉ một chút thôi cũng đã cải thiện bao nhiêu; rồi nếu còn làm hơn thế trong tương lai thì sẽ tốt đến nhường nào? Tác giả không cố tình, nhưng khi người viết hơi lìa xa đời sống thôi, người đọc sẽ dễ cảm thấy chán ghét mà lãnh đạm với nó, và có người sẽ là buông tay, thờ ơ với thời cuộc, có khi là quay lưng bỏ đi. Sự quay lưng ấy sẽ là cái đáng buồn nhất, đáng thương nhất với vận nước, khi bao nhiêu người trẻ tuổi rũ áo ra đi.

Huy Đức khi giới thiệu cuốn 2 này có ghi
"Quyền Bính tiếp tục nói về những khúc quanh của Việt Nam. Nói về những thời điểm mà đảng cầm quyền thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ. Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm."

Mấy câu ấy khiến tôi nặng lòng mãi. Nhưng cho dù có phảng phất chút bi quan, thì việc viết ra Bên Thắng Cuộc vẫn cho thấy một sự rất tích cực: mong muốn những thế hệ hiện đại và tương lai hiểu biết hơn, thay vì làm ngơ với các cuộc họp đoàn đảng TW, ngơ với những cuộc bầu cử và những thông báo chính trị, ngơ với chính đất nước dân tộc mình.